Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu
I/ Đặc điểm hình thái:
1/ Rễ: có 3 loại.
Rễ cái: ăn sâu đến 2 m để hút nước.
Rễ phụ: mọc thành từng chùm ở độ sâu từ lớp đất mặt đến 40 cm, có nhiệm vụ hút nước và dưỡng chất nuôi cây, kém chịu úng.
Rễ bám (rễ thằn lằn): mọc ra từ đốt thân ở trên không giúp cây bám vào nọc là chính.
2/ Thân: thân leo, có thể cao đến 10 m
3/ Cành: có 3 loại cành.
Cành lươn: mọc ra từ các mầm nách gần sát gốc, lóng dài, cần được cắt bỏ.
Cành vượt: mọc song song với thân chính, sinh trưởng mạnh. Tiêu còn nhỏ cần bấm ngọn để phát sinh nhiều cành vượt để tạo thành bộ khung chính của cây tiêu. Những năm sau cần bấm bỏ bởi vì chúng sẽ tiêu hao nhiều dưỡng chất. Có thể dùng làm giống.
Cành ác (cành quả, cành ngang): mọc ngang, mang trái. Không dùng làm giống.
4/ Hoa: loại hoa tự hình gié, dài từ 7 – 12 cm, 20 – 60 hoa xếp thành hình xoắn ốc. Hoa thụ phấn nhờ vào ẩm độ cao của môi trường.
5/ Trái: dạng hình cầu, đường kính 4 – 8 mm. Trái non có màu xanh và chuyển sang đỏ lúc chín. Từ khi ra hoa đến khi chín 7 – 10 tháng.
II/ Yêu cầu đất đai – khí hậu:
1/ Đất đai: cây tiêu có thể mọc trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng để sinh trưởng phát triển tốt và lâu dài, đất trồng tiêu cần phải đảm bảo các yếu tố :
Đất dễ thoát nước, không bị úng, ngập.
Tầng đất phải sâu, tốt nhất là 1 m trở lên.
Mạch nước ngầm phải sâu, ít nhất là 70 cm.
Đất có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tơi xốp, giàu mùn, không chua.
2/ Khí hậu: cây tiêu nguyên chủng mọc dưới tán cây rừng.
Nhiệt độ thích hợp 22 – 28 0C, sinh trưởng bình thường từ 18 – 350C.
Lượng mưa hằng năm từ 1250 – 2500 mm/năm trở lên, tốt nhất được phân bố đều trong năm do hệ thống rễ ăn cạn, không chịu nổi với điều kiện khô hạn kéo dài. Cần có 1 khoảng thời gian khô hạn ngắn để phân hóa mầm hoa (20 – 30 ngày).
Ánh sáng: ưa ánh sáng tán xạ, do đó trong thời kỳ đầu, nhất là lúc mới trồng cần che bóng cẩn thận. Giai đoạn ra hoa nuôi quả cây cần nhiều ánh sánh hơn, có thể che bóng ít hoặc không che do cây trưởng thành có khả năng tự che bóng cho nhau.
Gió: cây tiêu yếu chịu gió, cần có hàng cây chắn gió.
III/ Giống – nhân giống:
1/ Giống tiêu: có nhiều giống tiêu như sẻ đất đỏ của vùng miền Đông Nam bộ, tiêu Di Linh, tiêu Phú Quốc, tiêu Vĩnh Linh, tiêu Campuchia, tiêu Ấn Độ,… Hiện nay giống tiêu lá to Vĩnh Linh (Lada belangtoeng) và tiêu Ấn Độ đang được khuyến cáo trồng do sự sinh trưởng mạnh, chống chịu bệnh chết nhanh khá, năng suất cao.
2/ Chọn giống: chọn những bụi tiêu không bị sâu bệnh, sinh trưởng khỏe mạnh, dưới 18 tháng tuổi để làm giống.
3/ Nhân giống: chủ yếu là giâm hom, lấy từ thân chính, cành vượt hoặc dây lươn. Hom lấy ở dây lươn chậm ra hoa. Cắt mỗi hom từ 4 – 5 đốt (khi thiếu thì cắt từ 2 – 3 đốt). Loại 4 –5 đốt có thể đem trồng thẳng (không ươm). Nếu trồng nhiều cần giâm hom nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao và tạo độ đồng đều cho vườn tiêu sau này. Hom giống sau khi cắt xong, loại bỏ bớt cành lá để hạn chế sự mất nước, nhúng phần gốc hom vào dung dịch kích thích ra rễ (có bán trên thị trường) và dung dịch nước thuốc Aliette (hoặc Matalaxyl) 30/00, sau đó đem giâm ngay. Có thể giâm trong bể giâm chứa mùn cưa, trấu hay giâm vào luống, sau khi ra rễ mới chuyển vào túi bầu. Túi bầu bằng nylon, có kích thướt 15×25 cm, đã đục lổ, chứa 1,5 kg đất mặt + 0,5 kg phân chuồng hoai + 5 g Super lân. Chọc lổ, đặt hom, 2 mắt nằm trong đất ấn chặt lại. Làm giàn che nắng và gió, tưới nước chăm sóc. Sau mỗi tháng dở bớt dàn che, cuối cùng để cho 60 – 70% ánh sáng lọt qua. Khi nhánh tiêu mọc dài 40 50 cm, có 5 – 7 lá thật thì đem trồng.
IV/ Nọc tiêu:
Tiêu có thể leo lên nọc cây sống hoặc nọc chết như gỗ, nọc gạch, nọc bê tông.
Nọc cây sống: các loại cây đa niên tiêu đều leo bám được. Tuy nhiên để xây dựng vườn tiêu, cần chọn những loại cây lớn nhanh, rễ ăn sâu vào lòng đất, ít rễ ngang, ít tàn lá, dễ nhân giống, không thay vỏ như cây hông, cây muồng đen, núc nác rừng, vong nem , cây lồng mức, cây anh đào giả, cây keo dậu,…
Nọc chết: nọc cây gỗ, có đường kính từ 8 cm trở lên, cao 3 – 5 m. Hiện nay, vì cạn kiệt, người ta đúc nọc bằng bê tông cốt thép và dùng gạch để xây nọc. Do dó giá thành của nọc bê tông và gạch lớn nên có thể chia làm 2 giai đoạn để đầu tư: ban đầu nên đúc nọc bê tông hoặc nọc gạch ở độ cao 1,5 – 2 m, sau đó tiếp tục đốt hoặc xây thêm cho đến độ cao 3,5 – 5 m tuỳ khả năng.
Nếu sử dụng nọc chết, khoảng cách trồng có thể là 2×2 m, 2×2,5 m, 2,5×2,5 m. Nọc gạch có đường kính trên 0,8 m, có thể trồng với khoảng cách 2,5×3 m đến 3×3 m.
Nếu trồng toàn bộ nọc cây sống, khoảng cách trồng từ 2,5×3 m, bố trí theo hướng đông – tây và rong tỉa cành trong mùa mưa.
Có thể trồng xen 1 hàng nọc sống 1 hàng nọc chết để giảm bớt chi phí và điều hòa ánh sánh.
V/ Trồng tiêu:
Trước khi trồng từ 2 – 3 tuần, cần đào rãnh quanh nọc tiêu, cách mép nọc tiêu từ 10 – 15 cm, sâu 40 – 50 cm, rộng 40 – 50 cm rồi bón lót phân chuồng hoai (càng nhiều càng tốt) + 0,5 kg vôi + 0,5 kg Super lân trộn đề u với đất mặt.
Khi trồng, đặt bầu tiêu cách nọc từ 15 – 20 cm, nghiêng 1 góc 45 – 600 hướng ngọn tiêu về gốc nọc, nọc cây sống thì trồng xa hơn một chút. Nén chặt đất xung quanh bầu tiêu (hom tiêu) rồi che chắn cẩn thận, tránh gió lùa và ánh sáng chiếu trực tiếp vào làm cháy lá, cháy dây. Nọc có đường kính nhỏ (< 20 cm) có thể trồng 3 – 4 hom. Nọc xây gạch, cứ 30 cm trồng 1 hom.
Thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu mùa mưa, cây tiêu kịp lớn để chống chịu được hạn vào đầu mùa khô.
VI/ Chăm sóc:
1/ Che bóng cho tiêu non: khi tiêu mới trồng cần dùng cỏ, rác, lá dừa,… che tủ tránh nắng và gió làm tiêu mất nước và bị cháy nắng. Có thể che bằng tấm liếp hoặc dàn che.
2/ Trồng dặm: sau trồng 3 tuần, cần kiểm tra loại bỏ những hom chết và trồng dặm kịp thời để cây kịp sinh trưởng đồng đều với những cây trồng trước.
3/ Làm cỏ xới xáo: làm cỏ sạch quanh gốc và giữa các hàng tiêu. Không xới xáo trong gốc tiêu, xới cách gốc 50 – 60 cm. Mùa mưa cần tránh xới xáo vì dễ làm tổn thương bộ rễ giúp mầm bệnh xâm nhập vào làm chết tiêu.,,
4/ Xén tỉa tạo hình:
Sau khi tiêu lên cao, cần dùng dây mềm (dây nhựa, nylon) buộc vào cây nọc. Tráng dùng các loại dây chuối, dây rừng,… vì các dây này dễ bị mục làm cho phần thân tiêu nơi buộc dây dễ bị mầm bệnh tấn công.
Tiêu leo lên cao 60 – 80 cm mà vẫn chưa phát sinh cành ngang thì tiến hành bấm ngọn hoặc đôn dây.
Sử dụng cành vượt các cấp làm bộ khung thân chính đều đặn quanh nọc.
Trong các năm 1 – 2 có thể có một số cành ác ra hoa cần xén bỏ để tập trung dinh dưỡng cho bộ khung chính sinh trưởng mạnh.
5/ Tủ gốc: giữ ẩm trong mùa nắng bằng các loại rơm rạ, cỏ khô,… Đề phòng mối và cháy. Tủ cách gốc 10 – 20 cm.
6/ Tưới nước và chống úng cho tiêu:
Trong mùa nắng cần tưới nước thường xuyên (không thừa nước), kết hợp với các biện pháp che chắn, tủ gốc giữ ẩm cho tiêu. Trong thời kỳ kinh doanh, việc tưới nước cho tiêu có khác hơn. Trong thời kỳ này, đặc biệt sau thu hoạch, chỉ tưới cho tiêu khi thấy thật cần thiết, đủ cho cây sống, chịu đựng được mùa khô hạn để bước vào mùa mưa. Nếu tưới nước quá nhiều, cây sẽ tiếp tục sinh trưởng phát triển, các chùm quả phát sinh rải rác, tỷ lệ thụ phấn thấp làm giảm sản lượng và gây trở ngại cho việc chăm sóc, thu hoạch.
Cần đánh rãnh nước giữa 2 hàng tiêu trong mùa mưa để chống úng. Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cho vườn tiêu tồn tại lâu dài.
7/ Xén tỉa cây nọc sống:
Cần xén tỉa cây nọc sống 2 – 3 lần trong mùa mưa để cây tiêu có đủ ánh sáng.
Trong mùa khô không nên xén tỉa, kết hợp với biện pháp tủ gốc tích cực có thể tiết kiệm được lượng nước tưới quan trọng.
VII/ Bón phân:
Nhu cầu dinh dưỡng cho cây tiêu:
Nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu khá cao. từ năm thứ 3 sau trồng, cây cần nhiều nhất là đạm, sau đó đến kali rồi mới đến lân, vôi, ma nhê và các chất khoáng khác.
Từ 1 năm đến 3 năm bón phân như sau:
Loại phân |
Năm 1 |
Năm 2 |
Năm 3 |
Đạm Phú Mỹ (g)Super lân (g).KCl (g)
Vôi (g) Phân chuồng (kg) |
100 – 150 400 –500 100 500 15 –20 |
200 – 250 400 – 500 150 – 200
15 – 20 |
300 – 400 500 250 – 300
15 – 30 |
Cách bón:
Lót (đầu mùa mưa): toàn bộ phân chuồng + vôi + 1/3 (Đạm Phú Mỹ + lân + kali Phú Mỹ).
Giữa mùa mưa: 1/3 (Đạm Phú Mỹ + lân + kali Phú Mỹ).
Cuối mùa mưa: 1/3 (Đạm Phú Mỹ + lân + kali Phú Mỹ).
Từ năm thứ 4 trở đi, cây tiêu đã cho thu hoạch, bón phân cho một nọc (kg) như sau:
Phân bón |
Lượng bón (g/trụ) |
||||
Sau thu hoạch (tháng 5 – 6) |
Trước ra hoa (tháng 7) |
Nuôi trái (tháng 8) |
Nuôi trái (tháng 9) |
Chắc hạt (tháng 10 – 11) |
|
Phân chuồng hoai mục(hoặc hữu cơ vi sinh) |
10 kg 2,5 – 3,5 kg |
– |
– |
– |
– |
NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S |
300 – 350 |
– |
– |
– | – |
NPK Phú Mỹ 15-15-15 |
– |
300 – 350 |
– |
200 – 300 | – |
NPK Phú Mỹ 12-10-9+TE |
– |
– |
200 – 300 |
– | – |
Kali Phú Mỹ |
– |
– |
– |
– |
200 |
Cách bón : Xới nhẹ phá váng sâu 2 cm, rải phân hóa học rồi lấp nhẹ cho kín phân.
VIII/ Sâu bệnh hại:
Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến người trồng tiêu. Bệnh chết nhanh cây tiêu do nấm Phythopthora palmivora gây hại là một điểm hình. Chúng có thể hủy diệt một nọc tiêu, một vườn tiêu hay cả một vùng trồng tiêu trong thời gian ngắn, gây thiệt hại to lớn đối với sản xuất.
1/ Sâu hại:
Quan trọng nhất là loại rệp, gồm:
Rệp muội: thường bám vào các lá non, ngọn non để chích hút
Rệp xáp, rệp bông: bám vào đốt, thân, cành lá, đặc biệt là phần gốc rễ nằm dưới mặt đất, chích hút làm cho cây kiệt quệ dinh dưỡng, đồng thời tạo vết thương mở đường cho các loại nấm xâm nhập gây hại.
* Phòng trừ:
Nếu ít, bắt diệt bằng tay.
Dùng các loại thuốc trừ sâu thông thường đối với các loại rệp mụi.
Đối với rệp sáp : dùng các loại thuốc đặc trị Supracide 40 EC, Bi 58, Con fidor,…)
2/ Tuyến trùng hại rễ:
Là đối tượng nguy hiểm đối với cây tiêu. Loài Meloidogyne incognita chui vào trong rễ làm cho rễ nổi lên các nốt sần. Chúng sống trong đó, làm cho rễ bị huỷ hoại mất khả năng hút nước và chất dinh dưỡng. Bệnh càng nặng, rễ tiêu càng có nhiều nốt sần. Cây tiêu bị hại sẽ sinh trưởng chậm, lá biến dần thành màu vàng, rụng dần. Cây tiêu tàn lụi, xơ xác. Vết thương trên rễ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây chết tiêu.
* Phòng trừ:
Dùng giống kháng.
Tăng cường bón phân hữu cơ có thể làm giảm đáng kể mật độ tuyến trùng trong gốc tiêu.
– Trồng cây vạn thọ, và dùng thân xác cây vạn thọ bón vào gốc tiêu.
– Dùng các loại thuốc đặc trị (Mocap 10G, Vinoca 20ND, Sincosin 0,56 SL, Marshall 5G)
3/ Bệnh hại
a/ Bệnh mạng trắng do nấm Marasmius scandensmassee gây hại, chủ yếu trên chùm hom mới trồng. Mạng sợi nấm mọc tua tủa trên hom làm cho hom bị chết
* Phòng trừ:
Chọn hom giống tốt, không bị bệnh.
Xử lý hom giống bằng dung dịch Aliette 80WP nồng độ 0,2 -0,3%
Phun thuốc Topsin M, Carbendazim 500FL
b/ Bệnh thán thư: do nấm Collectotrichum gloeosporioides gây hại trên lá, thân, cành và chùm quả làm cho lá bị cháy có vân; làm cho lá non nhăn, dày, có chấm vàng; gây rụng gié hoa; gây vàng lá, rụng lóng.
* Phòng trị:
Vệ sinh thông thoáng vườn tiêu, cắt bỏ những cành nhánh sát gốc, cành lươn, cành bị che khuất.
Bón phân đầy đủ, cân đối.
Dùng các loại thuốc Carbendazim 500FL, Topsin M, Benlate C.
c/ Bệnh khô vằn: do nấm Rhizoctonia solani gây hại, chủ yếu trong mùa mưa, trên các vườn tiêu rậm rạp. Trong điều kiệm ẩm ướt, các bào tử nấm xâm nhập vào thân, cành hút dinh dưỡng và làm suy kiệt dây tiêu làm héo lá, chết thân, rụng gié. Đây là loại nấm đa thực, hại trên nhiều loại cây và cỏ dại.
* Phòng trị:
Làm thông thoáng vườn tiêu trong mùa mưa.
Diệt các cây tiêu có bệnh để trừ nguồn bệnh.
Dùng thuốc Anvil hay Validacin.
d/ Bệnh vàng lá virus: còn gọi là bệnh “tiêu điên”. Khi bị bệnh, lá tiêu bị nhỏ lại, biến vàng, phiến lá nhăn, dị dạng. Cây bệnh cằn cổi, không lớn lên được.
Bệnh do virus gây hại. Hiện nay không có thuốc trị được. Bệnh do côn trùng môi giới, chích hút từ cây bị bệnh truyền sang (rệp, rầy xanh,…).
* Phòng trị:
Diệt rầy, rệp các loại.
Không dùng tiêu bị bệnh để nhân giống.
Nhổ bỏ, gom đốt các cây tiêu bị bệnh nặng.
Các dao kéo cắt tỉa cành cần khử trùng bằng cồn 900 trước khi cắt sang nọc tiêu khác.
e/ Bệnh héo chết nhanh: do nấm Phythopthora palmivora gây hại. Nấm xâm nhập và tấn công vào cổ rễ, thân, cuống lá, cuống chùm quả. Nấm huỷ hoại mạch dẫn nước và dưỡng chất trong thân làm cho thân bị thối nhũn. Quả, cành, lá bị héo và rụng. Diễn biến của bệnh khá nhanh chóng, nhiều khi cây chết trong vòng 7 – 10 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên trên thân lá.
Nấm Phythopthora palmivora ưa môi trường đất có ẩm độ cao và chua do đó dễ lây lan nhanh chống trong điều kiện đất ngập úng, ẩm ướt. Ngoài ra, các loại nấm khác nhưFusarium sp và Pythium sp cũng tấn công cây tiêu làm cho cây bị chết nhưng chậm hơn.
* Phòng trị:
Chống úng một cách triệt để, nhanh chóng và kịp thời.
Trị tuyến trùng và rệp sáp hại ở vùng rễ tiêu.
Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục; bón đúng, đủ, cân đối các loại phân hóa học để cây có đủ dưỡng chất.
Vệ sinh thông thoáng vườn tiêu, cắt bỏ các cành nhánh, cách gốc 40 cm.
Không xới xáo trong vùng rễ trong mùa mưa.
Định kỳ dùng các loại thuốc gốc đồng quét và tưới gốc. Dùng Aliette 80WP, Mexyl MZ 80WP phun đẫm lên cây với 2-3 lần trong mùa mưa.
Khi trong vườn có những dây bị chết, cần nhổ bỏ, tiêu huỷ, rắc vôi bột, phun thuốc Aliette 80WP nồng độ 0,3%.
Các nọc tiêu còn lại cần tưới dung dịch gốc đồng các loại và phun đẫm dung dịch Aliette 80WP nồng độ 0,3% hay Metalaxyl nồng độ 0,2%, cứ 10 – 15 ngày/lần cho đến khi thấy diễn tiến của bệnh ngưng hẳn.
Bình luận
Powered by Facebook Comments