Trung tâm giống cây trồng Eakmat với hơn 25 năm kinh nghiệm, là cty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp giống và các giải pháp kỹ thuật nông lâm nghiêp ở miền trung và tây nguyên hiện nay.
Thành tựu và phát triển.
Với tầm nhìn chiến lược về vai trò, vị trí của các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao, hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng, cây ăn quả…; đặc biệt là cây cà phê – một loại cây trồng chủ lực có giá trị xuất khẩu cao và đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên đã được lãnh đạo Bộ quan tâm đầu tư nguồn lực và kinh phí để tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch và đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào.
Các nghiên cứu về tạo và chọn giống.
Giống cà phê.
Trung tâm giống cây trồng Eakmat đã chọn lọc được nhiều giống cà phê vối có năng suất cao như: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8 (được Bộ NN và PTNT công nhận theo Quyết định số 1086/QĐ-BNN-KHCN, ngày14/04/2006); giống TR9, TR11, TR12, TR13, đã được Bộ Nông nghiệp công nhận chính thức theo Quyết định số 175/QĐ-TT-CCN, ngày 04/5/2011; giống cà phê vối lai TRS1 được công nhận theo Quyết định số 4539/QĐ-BNN-TT, ngày 05/11/2015.
Các giống cà phê vối chọn tạo thuộc nhóm chín sớm và trung bình có nhiều ưu điểm vượt trội như tiềm năng năng suất cao, từ 4 – 7 tấn/ha; chất lượng tốt, khối lượng hạt cao hơn các giống đại trà từ 20 – 70%; khả năng kháng cao đối với bệnh gỉ sắt; tỷ lệ hạt loại R1 đạt từ 70 – 95%, cao hơn nhiều so với giống đại trà chỉ đạt từ 35 – 40%. Những vườn cà phê tái canh được trồng mới bằng các giống chọn lọc có thể đạt năng suất bình quân trên 4 tấn/ha, cao hơn so với các vườn trồng giống cũ từ 25 – 35 %, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng cà phê trong bối cảnh các chi phí vật tư đầu vào ngày càng tăng cao.
Ngoài các dòng/giống đã được công nhận, Trung tâm giống cây trồng Eakmat đã chọn lọc các dòng cà phê vối chín muộn gồm: TR14, TR15, TR16, các dòng này có thời điểm chín từ tháng 1 đến tháng 2. Do thời gian chín đã vào mùa khô nên rất thuận lợi cho việc thu hái và chế biến sản phẩm, giảm áp lực công trong mùa thu hoạch và đặc biệt là giảm được một đợt tưới trong mùa khô so với các giống chín sớm và chín trung bình. Đây là những dòng vô tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện 2 giống cà phê vối TR14, TR15 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT thành lập Hội đồng công nhận giống họp ngày 31 tháng 01 năm 2016 tại Hà Nội, được công nhận là giống sản xuất thử.
Đối với cà phê chè, trung tâm đã từng bước tiến hành lai tạo, chọn lọc đánh giá các con lai tại các vùng sinh thái để chọn được các giống tốt nhất phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cà phê chè ở Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng cà phê tách.
Các giống cà phê chè lai TN1, TN2 đã được công nhận theo Quyết định số 725/QĐ-TT-CCN ngày 12/12/2011. Đây là các giống cà phê chè lai có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao (trung bình 3,5 tấn nhân/ha), kháng được bệnh gỉ sắt và chất lượng cà phê tách được cải thiện rõ so với giống Catimor hiện trồng. Các giống cà phê chè lai TN6, TN7, TN9 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT thành lập Hội đồng công nhận giống họp ngày 31 tháng 01 năm 2016 tại Hà Nội, được công nhận là giống sản xuất thử.
Hiện tại trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu chọn lọc giống cà phê thuần THA (đời con của con lai TN1) để sớm cung cấp giống cho sản xuất bằng hạt.
Giống điều.
Đã bình tuyển được trên 200 cây đầu dòng ưu tú, trong đó có những dòng TCa4, TCa12, TCa10 và TCa17, TCa20 cho năng suất từ 30-60 kg hạt/cây, kích thước hạt lớn: 132-170 hạt/kg và có tỷ lệ nhân/hạt cao biến động từ 27,5-29,5 %. Các dòng điều này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là các cây đầu dòng vào năm 2002.
Giống ca cao.
Chọn lọc được 15 dòng vô tính từ tập đoàn ca cao đã được thu thập từ năm 1977. Các dòng vô tính này có khả năng đạt năng suất 2 tấn hạt/ha trong điều kiện không tưới. Năm 2006 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận 5 dòng ca cao TC4, TC7, TC11, TC12, TC13; giống PBC 157, PBC 157 đã được Cục Trồng Trọt, Bộ NN và PTNT công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 174/QĐ-TT-CCN, ngày 04/5/2011; các giống ca cao TC21, TD28, TD31 đã được Hội đồng công nhận giống cấp cơ sở họp đánh giá ngày 12 tháng 01 năm 2016, hiện đang trình các thủ tục xin công nhận cấp Bộ.
Giống bơ.
Năm 2011, Cục Trồng Trọt Bộ NN và PTNT công nhận sản xuất thử 4 giống bơ TA1, TA3, TA5 và Booth7 (Quyết định số 242 /QĐ-TT-CCN, ngày 19/5/2011). Ngày 30 tháng 01 năm 2016, Hội đồng công nhận giống cấp Bộ đã họp công nhận chính thức giống bơ TA1 và Booth7; công nhận tạm thời 2 giống bơ Reed và TA40. Giống bơ Booth7 là giống bơ trái vụ, chất lượng rất ngon, giá bán rất cao (100.000 đ/kg). Trong điều kiện thâm canh tốt, doanh thu 1 ha bơ vào giai đoạn kinh doanh ổn định là trên 2 tỷ đồng/. Đây được xem là loại cây ăn quả có triển vọng góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng tại Tây Nguyên và tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Giống sầu riêng.
2 giống sầu riêng địa phương TDu1 và TDu2 được chọn lọc từ Viện KHKT NLN Tây nguyên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận. Hiện cây sầu riêng đang được Viện khuyến cáo trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó các giống sầu riêng ngoại nhập như RI6, DONA, MUSANG KING, cũng được trung tâm đưa về trồng khảo nghiệm, cho năng xuất tốt, hiện cũng đã đc bộ NN & PTNT công nhận là giống đầu dòng, đưa và sản xuất.
Giống mắc ca.
Giống 246, Daddow, OC, QN1, A38 được Sở NN và PTNT Dak Lak cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp được phép cung cấp giống cho sản xuất.