Dấu hiệu bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, nguyên nhân gây bệnh và một số lưu ý trong cách phòng và trị bệnh
Xem thêm bài viết :
Kinh nghiệm ngăn chặn bênh chết nhanh chết chậm
Video bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu
Phòng trị bệnh chết nhanh chết chậm đầu mùa mưa (video)
Bệnh chết nhanh
Từ xưa đến nay nói đến cây hồ tiêu trước hết là nói đến bệnh hại ,đó là vấn đề lớn nhất với người trồng tiêu, trong đó lưu ý nhất vẫn là bệnh thối gốc, chết dây hay còn gọi là bệnh chết nhanh (Quick wilt, Phytophthora foot rot).
Có tên gọi như vậy là vì từ khi thấy cây tiêu “ủ rũ”, dây héo, xuống lá bắt đầu chuyển vàng, rụng nhiều lá chỉ để lại dây, cành trơ trọi (các triệu chứng như trên chỉ diễn ra trong vòng từ 7 – 10 ngày) sau đó cây tiêu chết rất nhanh trong vòng vài tuần lễ.
Quan sát dấu hiệu cây hồ tiêu bị bệnh khi được nhổ lên thì thấy toàn bộ rễ bị thối đen nhất là phần cổ rễ, phần thân sát mặt đất bị thối rã, vỏ cây bong ra, mùi hôi nhẹ. Một khi đã xuất hiện bệnh sẽ làm cây chết hàng loạt nọc tiêu dẫn đến việc phòng và trị bệnh rất khó khăn, tốn kém và thường không mang lại hiệu quả vì khi triệu chứng đã biểu hiện ra bên ngoài thì bộ rễ tiêu đã bị nấm tấn công trước đó 1 đến 2 tháng.
Bệnh thối gốc, chết dây nguyên nhân do một loại nấm sống dưới đất, thích ẩm độ gọi là Phytophthora parasitica var. piperana, nấm này thường phát sinh và phát triển lây lan trong thời gian mùa mưa, cao điểm là giai đoạn giữa và cuối mùa mưa. Nấm Phytophthora thường kết hợp với các loại nấm ở trong đất khác như Pythium, Fusarium,Rhizoctonia… chúng kết hợp cùng tấn công cây hồ tiêu làm cây chết rất nhanh. Nấm bệnh có thể xâm nhập được hầu hết tất cả các bộ phận của cây như lá, rể, thân, nhánh…đặc biệt là phần nằm trong đất và sát mặt đất.
Bước vào mùa mưa, mầm bệnh có trong đất được nước bắn tung tóe lên phần trên của cây. Thường phần lá phía dưới thấp bị bệnh trước dần mới lây lan lên các lá phía trên , lá khi bị bệnh chuyển vàng và rụng xuống, tiếp tục chu kỳ lây lan bệnh nhờ nước.
Kinh nghiệm cho thấy bệnh thường chỉ xuất hiện trên các vườn tiêu từ 3 năm tuổi trở lên và khi thấy trong vườn có khoảng 5 đến 7 % cây chết thì đa phần cây trong vườn đã bị nấm tấn công gây hại . Để phòng trừ bệnh Thối gốc, chết dây bà con cần lưu ý các vấn đề sau :
- Canh tác hồ tiêu với mật số vừa phải, không nên trồng dày, xén tỉa phần cành nằm sát mặt đất khoảng từ 20 đến 30 phân, có thể quét dung dịch Bordeaux 10% và vôi vào phần thân tiêu gần mặt đất nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh với cây trồng
- Theo kinh nghiệm các nước như Ấn Độ và Philipinnes cho thấy trồng xen canh tiêu với cà phê, dừa … sẽ giảm khả năng bệnh chết nhanh.
- Trồng cây con sạch bệnh, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh chết nhanh, đất trong bầu mới phải được xử lý bằng nhiệt độ, formol… để trừ tuyến trùng và mầm bệnh…
- Giống kháng bệnh : ỏ Việt Nam giống tiêu Vĩnh Linh có khả năng tương đối kháng bệnh chết nhanh nên ít nhiễm bệnh này.
- Hạn chế gây vết xước, vết thương cho rể, thân…: nấm gây bệnh sống trong môi trường đất thường xâm nhập vào cây qua các vết thương khi chăm sóc hoặc do tuyến trùng và côn trùng chích hút như rệp sáp … điều kiện ngoại cảnh như gió mạnh làm dây tiêu cọ sát với cây choái , đặc biệt cây có gai ở thân như vông nem dẫn đến cây bị lan truyền mầm bệnh.
- Thoát nước cho vườn tiêu: tuyệt đối không để đọng nước, nhất là khoảng thời gian giữa và cuối mùa mưa, nếu khu vực canh tác có nền đất thấp phải lên mô để trồng. Trung bình cứ hai hàng tiêu, có một mương, mương vừa giúp thoát nước vừa hạn chế tuyến trùng và mầm bệnh lây lan qua nước đọng
- Bón phân hợp lý : bón phân đầy đủ và hợp lý giúp nâng cao khả năng tiêu chống chịu bệnh tốt hơn, nên chú ý bổ sung magie và vôi. Phân hữu cơ hoai mục cũng rất tốt cho tiêu vì ngoài việc cung cấp thêm vi lượng cho cây, trong phân hữu cơ còn có hệ vi sinh vật đối kháng với mầm bệnh và tuyến trùng.
- Vệ sinh vườn : thường xuyên để ý thu nhặt lá, cành, rể … cây bệnh trong vườn mang đi tiêu hủy. Vườn tiêu khi đã bị bệnh không nên trồng lại ngay, cần tiến hành xử lý mầm bệnh và chờ trên mới trồng lại
- Xử lý bệnh bằng hóa chất : khi vườn tiêu trên 2 năm tuổi thường bắt đầu nhiễm bệnh, vì vậy sau thời gian trồng một năm nên đổ xuống gốc dung dịch Bordeaux 1% hay oxit clorua đồng 0,2% 2 đến 3 lần/năm (giữa hay cuối mùa mưa). Bắt đầu từ năm thứ 3 trở đi có thể phun hay tưới gốc các loại thuốc đặc hiệu như Trepachbul 607SL, Alpine 80WP, 800WDG, Mexyl MZ 72 WP. Trường hợp nếu vườn tiêu đã xuất hiện bệnh chết nhanh thì sử lý kết hợp các loại thuốc trên với thuốc gốc đồng như Copforce Blue 51WP định kỳ 1lần/tháng, chú ý nếu tiến hành trồng mới trên vườn tiêu vụ trước đã mắc bệnh chết nhanh cần phải tiến hành phòng trừ bệnh ngay từ năm đầu tiên.
Bệnh chết chậm
Ngoài bệnh chết nhanh đã nêu ở trên, bà con cần lưu ý đến một loại bệnh quan trọng khác đó là bệnh chết chậm, gọi như thế vì từ khi thấy cây sinh trưởng chậm có những dấu hiệu như bệnh chết nhanh như: thân èo uột, xuống lá, đốt rụng, rễ, gốc thối , phần mạch dẫn nhựa của thân dây có màu nâu đen… đến khi cây chết, quá trình này kéo dài vài ba tháng đến cả năm.
Đặc điểm bệnh chết chậm do một loại nấm sống ở trong đất gọi là Fusarium oxysporum gây nên, bệnh xuất hiện và gây hại nặng trên những vườn tiêu bị ngập úng, thoát nước kém, thiếu thông thoáng, bón thừa đạm…. Bà con lưu ý phòng và trị bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu tương tự như bênh chết nhanh ở trên
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Bình luận
Powered by Facebook Comments